Nằm cách trung tâm TP.Huế khoảng 12km, Hà Cảng là địa danh gần đây đang nhận được nhiều sự quan tâm bởi đạo diễn Victor Vũ đã chọn nơi này làm bối cảnh cho phim ‘Mắt biếc‘, tác phẩm chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Hà Cảng với vẻ đẹp dung dị, mộc mạc qua ‘Mắt biếc’
Vùng đất này nổi tiếng với cảnh vật yên bình và rất nên thơ. Tuy nhiên, vì là một địa điểm cách xa trung tâm thành phố nên không phải ai cũng biết đến nơi này.
‘Mắt Biếc’ là bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây cũng là tác phẩm thứ hai được Victor Vũ đảm nhận vai trò đạo diễn sau thành công của ‘Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’. Bối cảnh chính của phim diễn ra chủ yếu ở Quảng Nam và Huế, khắc hoạ lại phố thị của những năm 1960 – 1970.
Đường làng Hà Cảng, bối cảnh trong phim ‘Mắt biếc’, hiện ra với những sào mía trải dài mênh mông và cây vông đồng hiện ra như miền cổ tích.
Đây là vựa mía lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên – Huế, nổi tiếng với giống mía Cẩm Tân khi xưa dùng để tiến vua. Những sào mía xanh tươi đang vào vụ xen lẫn là những thửa đã thu hoạch ở làng Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền.
Cây vông đồng này được gọi là cây cô đơn trong ‘Mắt Biếc’, là bối cảnh của những thước phim thể hiện cảnh Ngạn đánh đàn cho Hà Lan. Để tới đây, du khách tới xóm Chùa rồi hỏi người dân về gốc cây quay phim ‘Mắt Biếc’ là có thể được chứng kiến những cảnh phim sống động thực sự ở trước mắt.
Các bối cảnh thập niên 60-70 trong phim
Ngoài ra, ‘Mắt Biếc’ còn gây thương nhớ với những bối cảnh thể hiện giai đoạn thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Nhiều cảnh quay đã phải dàn dựng lại như trường học, nữ sinh, làng Đo Đo, hội chợ dân gian, đường phố, nhà ga xe lửa. Đoàn phim đã phải huy động hơn 1.000 diễn viên quần chúng tham gia với trang phục của thời điểm đó.
Với quyết tâm: “Đưa khán giả quay ngược thời gian, trải nghiệm một câu chuyện tình yêu đầy chất thơ, có thể làm rung động tâm hồn mọi thế hệ”, đạo diễn Victor Vũ và ekip đã mất rất nhiều công sức để dựng lên được bối cảnh, ánh sáng chỉnh chu, tinh tế, tái hiện được đúng cái hồn của ‘Mắt biếc’ trên trang sách của Nguyễn Nhật Ánh.
Các di tích lịch sử, văn hoá của TP. Huế như khu Đại nội, lăng Khải Định cũng được đưa vào bối cảnh của bộ phim, khi những nhân vật đi chơi, hẹn hò… Bên cạnh những địa điểm có thực, nhiều con phố như Bạch Đằng, Kim Long, Huỳnh Thúc Kháng được đổi khác theo phong cách thập niên 60-70. Các đạo cụ, thiết kế và phục trang được chăm chút tỉ mỉ cho đúng thời kỳ đó.
Một số cảnh khác quay bên trong thành phố Huế. Đường xá, nhà cửa, trường học mô phỏng phố thị của những năm 1970 như cổng Đại học Sư phạm được phục dựng lại tên trường Trung học Kiểu Mẫu Huế xưa. Đây cũng là nơi ‘sống ảo’ yêu thích của các cô gái xứ Thần Kinh.
Ngoài ra, chợ Đo Đo được quay tại Quảng Nam. Trong những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, ông thường dùng câu chữ phác họa lại các địa danh có thật của Quảng Nam, nơi nhà văn đã sống và gắn bó trong 8 năm đầu đời.
Chợ quê nhìn ra cánh đồng, chỉ nhộn nhịp vào buổi sáng và những ngày lễ Tết. Thế nhưng với những người yêu ‘Mắt biếc’ hay ‘Ngồi khóc trên cây’ thì đây là một địa danh thân thương, ghi dấu những kỷ niệm thời áo trắng.
‘Mắt biếc’ là một tác phẩm của tác giả Nguyễn Nhật Ánh trong loạt truyện viết về tình yêu của thanh thiếu niên của tác giả này cùng với ‘Thằng quỷ nhỏ’, ‘Cô gái đến từ hôm qua’… Đây cũng được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Nhật Ánh, từng được dịch giả Kato Sakae dịch để giới thiệu với độc giả Nhật Bản.
Bạn đang đọc bài viết "Vẻ đẹp đồng quê Hà Cảng nơi được đạo diễn Victor Vũ chọn làm bối cảnh phim ‘Mắt Biếc’"
Tại chuyên mục "Du Lịch" của Luxury Inside.
Mọi thông tin góp ý, chia sẻ và gửi bài cộng tác, vui lòng gửi về:
Email: banbientap@luxury-inside.vn – Điện thoại: 09 1199 5526.