Người ta thường nhắc nhiều tới những người phụ nữ đơn thân nuôi con. Nhưng thực tế cũng có nhiều cảnh đời “gà trống nuôi con” chịu không ít khó khăn, vất vả. Ai đó nói rằng phụ nữ Việt Nam có đức hi sinh và sức chịu đựng không giới hạn. Nhưng hóa ra đàn ông Việt cũng có nhiều người tuyệt vời như thế!
“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ/Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Câu nói ấy hẳn đã chạm tới tận đáy tim của những người làm cha, làm mẹ, làm con. Quả là trong cuộc sống này, điều tuyệt vời nhất là chúng ta được sinh ra, có mẹ cha, được làm cha mẹ. Cuộc sống có thể xảy ra nhiều biến cố, mỗi người có một hoàn cảnh sống khác nhau. Nhưng hơn tất cả, được hiện diện trên cõi đời nghĩa là ta đã mang ơn những đấng sinh thành. Và được trưởng thành trong vòng tay của những người đàn ông đơn chiếc lại càng là điều giá trị. Bởi lẽ những người đàn ông thường không có đủ sự tinh tế để có thể chia sẻ, chăm sóc, nuôi dạy con cái. Ấy thế nhưng vẫn có những con người vượt lên khỏi hoàn cảnh, làm được điều ấy một cách phi thường!
Bố đơn thân chăm con gái bại não suốt 23 năm
62 tuổi, ông Nguyễn Văn Kiên (ngụ tại khu Nhân Cầu 2, thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) vẫn cần mẫn đi đánh đàn thuê ở những đám cưới, hội nghị để kiếm thêm tiền về nuôi cô con gái bị bại não. Sở dĩ 4,5 triệu đồng lương hưu của một cán bộ văn hóa huyện, tiền chu cấp của vợ cũ và tiền hưởng trợ cấp khuyết tật của con gái đối với ông chẳng đủ tiêu. Vì hàng năm Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1993) vẫn phải đi viện thăm khám đều, mỗi lần mất đến cả chục triệu.
Sinh ra bị sặc nước ối, ngạt thở rồi sốt cao, Liên nằm viện suốt hơn 4 tháng trời nhưng không thể phục hồi. Con gái bị bại não, người mềm như bún, quấy khóc suốt ngày đêm, vợ chồng ông Kiên vì thế mà sinh mâu thuẫn. Liên 3 tuổi, hai người họ ly hôn. Kể từ đó ông Kiên chính thức bước chân vào cảnh “gà trống nuôi con”.
Suốt 23 năm qua ông Kiên đã phải vượt qua không ít khó khăn, vất vả. Không đủ để thuê người trông, ông gửi Liên đi học mầm non, đến năm 7 tuổi thì buộc phải để con tự ở nhà vì trường “hết tuổi nhận trông”. Hàng ngày ông tất bật với cơm nước, tắm rửa, đút cho con ăn. Mỗi khi đi làm thì buộc phải để Liên ở nhà một mình, khóa trái cửa lại. Chốc lát ông đảo qua nhà ngóng xem con gái có bình an hay không.
Hàng năm ông Kiên vẫn nhẫn nại đưa con gái đi vật lý trị liệu những mong Liên có thể cử động được tay chân. Năm 15 tuổi, lần đầu tiên Liên biết gọi “Bố ơi”. Từ đó ông quyết định dạy con học nói, dạy chữ cho con. Hiện tại Liên 26 tuổi đã có thể nhớ được số điện thoại của bố, biết lên mạng xã hội kết bạn với nhiều người.
Năm 20 tuôi, Liên bị chẩn đoán suy cầu thận, suy tim. Lần ấy bệnh viện đã trả Liên về. Ông Kiên tìm đủ mọi cách đưa con lên tuyến trên, cạy vạy các y bác sĩ thăm khám, điều trị. Ông Kiên kể: “Trên xe cấp cứu con vẫn nắm chặt tay tôi, làm sao tôi có thể bỏ con khi cháu vẫn còn thở. Tôi đã cầu xin bác sĩ nhận con gái tôi ở lại. Dù còn một hơi thở tôi cũng không bỏ cuộc”.
May mắn thay lần ấy Liên qua khỏi. Hai cha con lại trở về nương tựa, bấu víu lấy nhau sống qua ngày. Mọi sinh hoạt của Liên bây giờ vẫn đều có bố lo hết, kể cả chuyện con gái dậy thì. Ông cũng không quên làm điệu cho con. Thấy con nhà người ta có đồ đẹp, ông cũng đi chợ mua về cho con gái.
Nhiều lần Liên động viên bố lấy vợ nhưng ông Kiên không đồng ý. Ông ngại cưới vợ mới vì sợ người ta không thương Liên thì khổ. Cứ như thế suốt 26 năm qua, họ cùng nhau vượt qua không ít vất vả. Cuộc sống gối đầu muôn nỗi thiếu hụt, thiệt thòi nhưng hai cha con vẫn luôn giữ trên môi những nụ cười yêu đời, hạnh phúc.
Người cha tần tảo tìm lại màu da cho con
Đó là câu chuyện của chú “gà trống nuôi con” Trần Văn Thắng (người dân tộc Tày ở thôn 1, Quảng Chính, Hải Hà, Quảng Ninh) suốt nhiều tháng ròng vượt hàng trăm cây số đến khắp các bệnh viện lớn nhỏ để phẫu thuật tìm màu da cho đứa con trai út của mình. Bé Trần Thế Đà (2 tuổi) sinh ra đã bị bệnh nevus hắc tố bẩm sinh, dân gian thường gọi là bớt bẩm sinh, trên người có nhiều mảng da màu nâu đen phủ hầu khắp cơ thể.
Vợ mất vì bạo bệnh lúc đang mang bầu bé thứ 5, một mình anh Thắng vừa nuôi 4 đứa con, vừa phải lo chạy chữa cho Đà với công việc thời vụ, ai mượn đâu làm đó vô cùng vất vả. Hai bé lớn Minh Hoài và Minh Thuận đều đã học cấp 2, có thể phụ giúp bố nấu cơm, dọn dẹp. Bé Minh Bạch mới 5 tuổi đã có thể trông Đà giúp bố.
3/10, hai bố con Đà bắt đầu hành trình đi tìm lại màu da ở bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ca phẫu thuật đầu tiên của Đà diễn ra vào ngày 15/10. Sau đó bé còn phải trải qua ít nhất 2 lần phẫu thuật nữa, mỗi lần cách nhau ít nhất 3 tháng.
Thương hai bố con Đà vất vả, nhiều mạnh thường quân đã chung tay giúp đỡ, chia sẻ. Có người hỗ trợ anh bằng tiền mặt, có người chia sẻ anh xe cộ đi lại, cũng có người gửi tặng bố con anh những phần quà bánh… Những lần như vậy anh Thắng đều ghi chép lại tỉ mỉ, cẩn thận trong cuốn sổ “ghi ơn” đặc biệt của mình. Mong muốn duy nhất của anh là con có thể biết những ai đã yêu thương, giúp đỡ mình và phải biết ơn họ.
“Nhà có nhiều trẻ con nên có nhiều tiếng cười”, anh Thắng chia sẻ là vậy, ai cũng hiểu tiếng cười của các con là nguồn động lực để anh cố gắng. Nhưng có một điều chắc chắn rằng một vai anh gánh tương lai của 4 đứa trẻ thật chẳng dễ dàng gì.
Chú hề đường phố một mình nuôi con
Anh Trần Hoàng Đại Quốc Thuận (37 tuổi) ở Chợ Mới, An Giang được nhiều người biết đến là một nghệ sĩ đường phố thổi bong bóng bằng mũi. Người ta bắt gặp anh với những bộ cánh đủ sắc màu, những túi bóng bay sặc sỡ,… Nhưng ít ai biết anh vốn có một cuộc đời truân chuyên, khó nhọc – Một chú hề “gà trống nuôi con”.
Vợ chồng anh ly hôn khi con gái mới 5 tuổi. Trước đó 2 người từng có một tình yêu đẹp, một gia đình hạnh phúc. Sau biến cố, anh Thuận đưa con về sống cùng bố mẹ đẻ. Ngày ấy cuộc sống gia đình anh Thuận rất khó khăn. Anh làm thợ hồ, làm thuê đủ thứ việc để lo cho gia đình. Hiện tại con gái anh đã lên 9, còn anh vẫn chuyên cần với gánh bóng bay, mang tiếng cười cho các em nhỏ. Mọi chuyện cơm nước, nhà cửa vẫn phải nhờ mẹ đỡ đần.
Điều khiến anh trăn trở vẫn là những đêm con gái nằm khóc kêu nhớ mẹ. Anh Thuận không kìm được lòng mình, cũng có khi bật khóc khi ai đó nhắc tới vợ mình. Dù cuộc sống khó khăn, thiếu hụt tình cảm và sự chia sẻ nhưng anh vẫn cố gắng trao cho con nhiều yêu thương nhất có thể.
Ông bố bán máu 3 lần/tháng nuôi 2 con gái
Xuất hiện trong chương trình “Là vợ phải thế” phát sóng vào cuối năm 2018, câu chuyện về ông bố Trí Bình (36 tuổi) bán máu nuôi 2 con gái Tường Vy (10 tuổi) và Tường Lam (8 tuổi) tới nay vẫn khiến nhiều người cảm động mỗi khi nhắc tới.
Thời điểm mới chia tay vợ, anh Bình vẫn chưa có công việc cụ thể, khi đó bé Lam mới vừa cai sữa. Anh Bình từng phải đi làm bốc vác, phụ hồ, những công việc ai mướn đâu làm đó, miễn là lương thiện và chủ động được thời gian để có thể chăm sóc và tiện đưa đón 2 con nhỏ.
Quá khó khăn, ngặt nghèo về tài chính, anh đã từng phải đi bán máu để có tiền trang trải. Các y bác sĩ khuyên anh chỉ nên bán máu 1 lần/tháng, nhưng vì quá cần tiền nên anh đã liều lĩnh bán máu tận 3 lần/tháng.
Vì thiếu vắng người phụ nữ trong gia đình nên từ rất sớm, anh Bình đã tập cho hai con gái cách sống tự lập. Bé Vy lên 6 tuổi đã được bố dạy cho cách nấu cơm, luộc rau, chiên trứng, phụ bố chăm sóc em gái. Là đàn ông nhưng anh Bình tỏ ra khéo léo, rất tỉ mỉ trong cách chăm sóc con. Anh tự lên mạng học cách may quần áo cho con, tự tay sơn cho con những căn phòng ngủ theo ý thích của chúng. Nhiều bạn bè của anh Bình cho biết, anh còn có năng khiếu hát hay và cắm hoa rất đẹp.
Nhắc tới việc đi bước nữa, anh Bình ngại ngần cho biết bản thân cũng từng có ý định. Nhưng vì thấy có nhiều hoàn cảnh mẹ kế ngược đãi con chồng nên anh hơi dè dặt. Hiện tại người đàn ông “gà trống nuôi con” chỉ muốn chuyên tâm lo cho 2 bé gái được chu tất, khi nào chúng trưởng thành, anh mới nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình.
Hải Âu
Bạn đang đọc bài viết "Rớt nước mắt trước những cảnh đời ‘gà trống nuôi con’"
Tại chuyên mục "Cuộc Sống" của Luxury Inside.
Mọi thông tin góp ý, chia sẻ và gửi bài cộng tác, vui lòng gửi về:
Email: banbientap@luxury-inside.vn – Điện thoại: 09 1199 5526.