Trong mâm cúng “cô hồn” rằm tháng 7 âm lịch, ngoài những món ăn theo phong tục, không thể thiếu 1 bát muối và 1 bát gạo. Sau khi cúng xong, người ta lấy gạo, muối để rải khắp nhà với mục đích là xua đuổi ma quỷ. Nét sinh hoạt ấy mang đậm nét tâm linh và hiện nay vẫn được một số gia đình ở miền Tây áp dụng.
Tháng “cô hồn” ở miền Tây là một nét sinh hoạt văn độc đáo trong đời sống tinh thần của con người. Nhiều hoạt động được người dân thực hiện trong tháng này với mục đích là xua đuổi tà ma và cầu mong sự an yên. Mọi việc đều được tiến hành chu đáo từ công việc cho đến nếp sinh hoạt hằng ngày. Những ngày này, nếu có dịp đến các vùng quê ở miền Tây, bạn dễ dàng bắt gặp những mâm cúng vào mỗi sáng, khói bay nghi ngút.
Người miền Tây thường dùng gạo muối để cúng rằm tháng 7 hoặc dùng 2 thứ ấy để cúng trong mâm cúng thường ngày. Vào mỗi buổi sáng, người lớn tuổi trong nhà cẩn thận lấy 1 bát muối và 1 bát gạo đặt song song rồi thắp hương khấn vái. Theo quan niệm dân gian, gạo và muối là 2 loại thực phẩm quan trọng nhất có vai trò duy trì sự sống của loài người. Nếu như gạo là lương thực chính thì muối có vai trò cân bằng chất lỏng. Vị mặn của muối là vị cơ bản và gần như góp mặt trong hầu hết các món ăn. Người xưa thường nói: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” để nói về vai trò của muối. Vì vậy, trong tháng “cô hồn”, người ta sẽ dâng những thực phẩm quan trọng nhất cho các linh hồn. Ngoài ra, gạo muối còn có tác dụng xua đuổi tà ma, mang lại điềm lành.
Trong mâm cúng rằm tháng 7, người miền Tây thường không quá cầu kỳ nhiều món, chỉ đơn đơn giản vài món chay cùng bát muối, bát gạo. Người ta bảo rằng, ma quỷ không ăn vật phẩm thực mà ăn trong tâm tưởng. Gạo, muối là căn bản của sự sống nên những linh hồn sẽ cảm thấy no đủ khi ghé vào những ngôi nhà rắc đầy gạo muối. Họ sẽ có cảm giác an bình khi nhìn thấy gạo và muối nên vui vẻ rời đi không làm phiền đến gia đình.
Ngoài ra, cúng gạo muối cũng là cách để bày tỏ lòng biết ơn đối với các tiền nhân đã khai sáng nền văn minh lúa nước. Động tác rải gạo gần giống với cách gieo mùa của người dân quê. Người dân miệt sông nước Cửu Long nghề nghiệp chủ yếu là trồng lúa nên rải gạo cũng là cách để cầu nguyện mùa màng. Rải gạo, muối có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng đổi với người dân đó là việc nên làm để cầu mong sự bình an, hạnh phúc trong tháng “cô hồn” cũng như nhiều tháng tiếp theo trong năm.
Nằm trong chuỗi những điều cần làm trong tháng “cô hồn”, tục rải gạo, muối trong mâm cúng rằm vẫn được người miền Tây truyền miệng và thực hiện cho đến hôm nay. Mặc dù không có cơ sở khoa học nhưng người ta cho rằng, nếu không tin tưởng vào ma quỷ thì hành động rải gạo, muối nhằm bày tỏ sự biết ơn đối với tiền nhân. Đó là một truyền thống tốt đẹp được người Việt chúng ta lưu truyền tự bao đời. Hơn nữa, rải gạo và muối không tốn nhiều thời gian, tiền bạc nên vẫn được người người ta thực hiện trong tháng “cô hồn”.
Bạn đang đọc bài viết "Lý giải tục rải muối, gạo trong tháng “cô hồn” của người miền Tây"
Tại chuyên mục "Cuộc Sống" của Luxury Inside.
Mọi thông tin góp ý, chia sẻ và gửi bài cộng tác, vui lòng gửi về:
Email: banbientap@luxury-inside.vn – Điện thoại: 09 1199 5526.