Không ai đạt được thứ gì khi tin vào những kẻ chỉ biết nói “không”. Và cũng ít ai thành công khi cứ cố bám vào những ý tưởng sẵn có trong những lĩnh vực sẵn có.
Starbucks đã thành công theo cách đó. Họ nói có với những thứ tưởng chừng như không thể, họ vẽ lên một giấc mơ về trải nghiệm hương vị café trong không gian lãng mạn, mang đến cảm giác thú vị, thật, chân thành và đúng nghĩa hưởng thụ với những khách hàng đang vội vã với những tách café mang đi. Họ đã biến một góc của Seattle trở thành một cái nôi mới cho vị cafe sữa bọt mang tên latte mà ban đầu gây ra rất nhiều tranh cãi giữa những người sáng lập. Họ đã làm nên một “đế chế” mới mà vào thời điểm 1971 chưa một doanh nghiệp kinh doanh café nào có thể làm được chỉ bởi vì họ đã “dốc hết trái tim”trong từng tách café của mình, từng con người một đã làm như thế, cống hiến như thế, say mê và tận tụy như thế.
Tôi đọc “Dốc hết trái tim” vào một thời điểm đáng nhớ khi tôi vừa bước lên chức quản lý của một công ty start up. Mặc dù làm trong lĩnh vực truyền thông – báo chí khác hẳn với F&B nhưng những gì tôi học được từ cuốn sách này đã giúp tôi mang lại hiệu quả công việc ở mức độ nhất định. Đây không chỉ là một cuốn hồi ký đơn thuần mà nó mang giai điệu của một bản tình ca đầy lãng mạn, chân thật và cảm xúc. Có thể cảm nhận được Howard Schultz đã rót cả vào đó sự tận tâm, niềm vui, niềm tự hào về hành trình đưa Starbucks trở thành thương hiệu toàn cầu.
Cuốn sách gồm 3 phần:
- Phần 1: Nói đến cái duyên giữa Howard Schultz và Starbucks. Trong khi ông đang có một công việc rất ngon lành với mức lương 75.000 đô la một năm, vị trí nhiều người mơ ước thì ông lại quyết định từ bỏ tất cả đến một nơi xa tới 3.000 dặm ở đầu kia đất nước để tham gia vào một doanh nghiệp bé tẹo chỉ với vỏn vẹn 5 tiệm cà phê. Cái duyên ấy bắt đầu từ năm 1981, khi đang làm việc cho Hammarplast, ông thắc mắc khi để ý thấy một nhà bán lẻ nhỏ bé ở Seattle liên tiếp đặt hàng với số lượng lớn một loại máy pha cà phê nhất định. Sau đó, ông đã quyết định tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra ở đó, và chuyến đi đầu tiên đến Seattle cũng chính là chuyến đi định mệnh. Trong suốt chuyến bay trở lại New York kéo dài năm tiếng đồng hồ vào sáng hôm sau, ông không thể ngừng nghĩ về Starbucks. Ông nhấp một ngụm café loãng toẹt trên máy bay rồi bỏ nó sang một bên. Với lấy chiếc va-lim ông lôi túi hạt café Sumatra ra và hít một hơi thật dài. Ông ngả người về hía sau và tâm trí ông bắt đầu chuyến du ngoạn của mình. Có một cái gì đó kỳ diệu như ma thuật ẩn chứa trong Starbucks, một niềm đam mê và một bản sắc mà ông chưa bao giờ nhận thấy ở bất cứ nơi nào. Ông đã đặt ra cho mình rất nhiều câu hỏi, và không lâu sau đó ông đã quyết định từ bỏ những gì đang có để đến với Seattle.
- Phần 2: Giới thiệu cho bạn đọc cách mà Howard Schultz đã tạo nền móng vững chắc để phát triển doanh nghiệp như thế nào. Kế hoạch kinh doanh chỉ là một xấp giấy, và thậm chí kế hoạch kinh doanh tuyệt vời nhất cũng thành vô giá trị trừ khi các nhân viên thấu hiểu nó. Nó sẽ thiếu tính bền vững, hay thậm chí còn bị triển khai không phù hợp, trừ khi các nhân viên cũng quyết tâm hết lòng thực hiện nó như chính người lãnh đạo. Và họ sẽ không đón nhận nó trừ khi họ tin tưởng quyết định của người lãnh đạo và hiểu được rằng những nỗ lực của họ sẽ được ghi nhận và trân trọng. Cách duy nhất giúp giành được niềm tin của nhân viên Starbucks là chân thành với họ, chia sẻ các hoạch định và niềm vui của người đứng đầu với họ, luôn làm đúng những gì lãnh đạo đã nói, đã hứa và hơn thế.
- Phần 3: Trong phần này, Howard Schultz kể lại những kế hoạch, bước đi phát triển của Starbucks. Ông chia sẻ chân thành mà sâu sắc về việc áp dụng công thức thành công mà doanh nghiệp này đã kiến tạo nên cho chính họ, tuy nhiên, nó không dành cho tất cả, mỗi người sẽ có một cách thức riêng và hãy làm theo cách riêng mà mỗi người cho là đúng. Cái cốt yếu là tận tâm, tận lực, làm bằng cả trái tim mình, mang hết tất cả những gì mình có ở nhà: sự nhiệt huyết, sức khỏe, thể lực, trí tuệ, tiền bạc, … tất cả những gì có thể để cống hiến cho đam mê, cho giấc mơ của người đứng đầu và của cả những người cộng sự.
“Dốc hết trái tim” hẳn sẽ mang đến cho bạn một sự hối thúc lớn lao về việc phát triển, không nói “không” với những tình huống khó khăn, luôn làm mới mình, luôn nỗ lực, sống có ước mơ và dốc hết trái tim để thực hiện được ước mơ ấy. Và các bạn ạ, không có gì là viển vông cả khi chúng ta có niềm tin vào chính mình, chỉ cần nhìn thấy điểm sáng, chỉ cần luôn lạc quan và quyết tâm đến cùng thì mọi mục tiêu đều có thể thực hiện được trong niềm hạnh phúc ngọt ngào.
Hương Thảo
Bạn đang đọc bài viết "Dốc hết trái tim: Những người luôn nói “không” chẳng bao giờ xây được một doanh nghiệp lớn"
Tại chuyên mục "Giải Trí" của Luxury Inside.
Mọi thông tin góp ý, chia sẻ và gửi bài cộng tác, vui lòng gửi về:
Email: banbientap@luxury-inside.vn – Điện thoại: 09 1199 5526.